Danh sách từ A-Z

Vì sao năm 2019 rồi mà các dịch vụ stream phim vẫn tính phí video độ phân giải SD và HD khác nhau?

13-08-2019 / / 682 lượt xem

Hiện nay, đa số các dịch vụ stream phim trực tuyến vẫn cung cấp các gói trả phí với mức giá khác nhau dành cho video độ phân giải SD và HD. Tuy nhiên, khi các video độ phân giải 4K đang ngày càng trở nên phổ biến và không còn là “của hiếm”, thì việc “phân biệt đối xử” giữa video SD và HD có còn hợp lý? Liệu các dịch vụ stream phim có nên tiếp tục “chia” độ phân giải video thành các phân khúc sản phẩm khác nhau nữa hay không?

Đa số các dịch vụ stream phim vẫn “bắt” người dùng trả thêm phí để xem video độ phân giải HD

Bất chấp sự trỗi dậy của các video độ phân giải 4K và tốc độ đường truyền internet đang ngày càng tăng cao, các dịch vụ stream trực tuyến hiện nay vẫn còn đang “phân biệt đối xử” giữa video độ phân giải tiêu chuẩn (SD) và video độ phân giải cao (HD) chứ chưa nói gì đến 4K! Trên thực tế có rất nhiều dịch vụ stream phim, chẳng hạn như Amazon, YouTube và Vudu, vẫn coi độ phân giải video SD và HD là hai sản phẩm riêng biệt. Với cùng một bộ phim, các hãng vẫn phân phối phiên bản độ phân giải SD và HD với mức giá khác nhau. Thật kỳ lạ, ngay cả Netflix cũng coi độ phân giải video như một món hàng để “mặc cả” với người dùng: gói Netflix “Basic” thậm chí còn không cho phép người dùng xem phim ở độ phân giải Full HD 1080p. Nếu muốn xem phim 4K, mức phí hàng tháng thậm chí còn đắt hơn!

Ở thời điểm hiện tại, đa số người dùng vẫn có thể dễ dàng “bỏ qua” cách phân loại này của các hãng. Trên thực tế, cách làm này đã diễn ra trong một thời gian dài, và cũng có khá nhiều người sẵn lòng “tiết kiệm” 1 đến 2 USD mỗi tháng, đổi lại họ chỉ có thể xem phim ở độ phân giải SD. Nhưng phải chăng các nhà cung cấp dịch vụ stream phim đang “chiều” người dùng bằng cách cung cấp gói video độ phân giải thấp với mức giá “mềm” hơn? Chẳng phải các công ty sẽ phải đầu tư thêm rất nhiều tiền để lưu trữ và cung cấp thêm một bản sao video ở độ phân giải SD cho người dùng hay sao? Và với sự phổ biến của độ phân giải 4K ở thời điểm hiện tại, tại sao các nhà cung cấp không coi video độ phân giải HD là một “tiêu chuẩn” bắt buộc (và là thấp nhất) trên khía cạnh chất lượng video stream, và sau đó cung cấp độ phân giải 4K dưới dạng tuỳ chọn cao cấp mà người dùng cần phải chi thêm tiền để nâng cấp?

Sự khác biệt giữa SD và HD khi stream phim không giống như giữa đĩa DVD và Blu-ray

Khi chuỗi siêu thị Walmart bắt đầu trưng bày các kệ hàng chứa đầy đĩa DVD và Blu-ray phim Toy Story 3, siêu thị này có lý do để bán hai loại đĩa này với các mức giá khác nhau. Lý do rất đơn giản: đĩa Blu-ray tốn nhiều chi phí sản xuất hơn đĩa DVD. Chưa kể, cả hai sản phẩm đều tốn không gian kệ hàng để trưng bày, và kệ trưng bày đĩa Blu-ray nhìn chung sẽ ở vị trí thuận tiện và “giá trị” hơn là kệ hàng để trưng bày đĩa DVD.

Một số người sử dụng logic tưởng chừng như rất hợp lý này để lập luận với trường hợp của các dịch vụ stream phim kĩ thuật số đã đề cập đến ở phần trước của bài viết. Tuy nhiên, sự thật không đơn giản như vậy. Đồng ý rằng chúng ta có thể coi những ổ cứng chứa phim được lắp đặt tại máy chủ của các dịch vụ stream phim là những kệ hàng, tuy nhiên các dịch vụ stream phim sẽ không lưu trữ các bản sao độ phân giải SD và HD như những món hàng riêng biệt, rằng việc bạn đã mua món hàng cao cấp hơn không đồng nghĩa với việc bạn đương nhiên sở hữu món hàng cùng loại nhưng chất lượng thấp hơn. Ví dụ, ngay cả khi bạn mua gói xem phim HD, tuy nhiên nếu chất lượng đường truyền Internet nhà bạn yếu, nhà cung cấp dịch vụ vẫn có thể phát cho bạn video độ phân giải SD để ngăn ngừa tình trạng gián đoạn trải nghiệm xem phim của người dùng (còn gọi là video buffer).

Bạn còn nhớ cái thời mà đa số chúng ta cứ xem video online được một lát lại phải dừng lại để chờ video buffer (vì tốc độ mạng hồi ấy đa số chưa đủ để tải trước được toàn bộ nội dung của video). Tuy nhiên ngày nay, điều đó không còn phổ biến nữa, bởi mọi dịch vụ stream phim sẽ lưu trữ cả hai bản sao độ phân giải SD và HD của cùng một bộ phim, để trong trường hợp kết nối Internet nhà bạn chất lượng không tốt, họ có thể chuyển bạn từ video độ phân giải cao sang video có độ phân giải thấp hơn, để ngăn chặn tình trạng “video buffer”.

YouTube không có trở ngại nào trong việc lưu trữ video

Hãy cùng làm một phép so sánh giữa YouTube (dịch vụ streaming miễn phí, cung cấp tuỳ chọn độ phân giải 4K) với một số trang web stream phim trực tuyến có trả phí được nhiều người yêu thích. Mỗi phút trôi qua, đã có khoảng 500 giờ video được tải lên YouTube (bạn có thể quan sát quá trình này theo thời gian thực tại trang web có địa chỉ everysecond.io). Làm phép toán đơn giản, ta thấy con số trên tương đương với 300.00 giờ nội dung video mới được tải lên YouTube mỗi giờ. Để so sánh, toàn bộ thư viện video của Amazon Prime Video năm 2017 chỉ có tổng thời lượng khoảng 19.200 giờ.

Rõ ràng, YouTube cần tới rất nhiều bộ nhớ lưu trữ. Nhưng ngoài ra còn một yếu tố khác mà chúng ta cũng không thể không nhắc đến. Hồi năm 2013, đã từng có một nhóm kĩ sư YouTube “đăng đàn” giải thích việc mỗi đoạn video trên YouTube đều được tự động convert và sao chép thành hàng chục phiên bản video với định dạng và độ phân giải (1080p, 720p, v.v…) khác nhau, để đảm bảo trang web có thể hoạt động tốt với mọi thiết bị và mọi tốc độ đường truyền Internet của người dùng. Khi đối chiếu việc này với thư viện video YouTube lớn một cách đáng kinh ngạc, cách làm này sẽ đòi hỏi dung lượng ổ cứng trống “khổng lồ”.

Vậy các dịch vụ stream phim tính phí có sao chép một video thành nhiều file với các định dạng và độ phân giải khác nhau như vậy hay không? Câu trả lời là không. Tất cả các trình duyệt web hiện đại đều hỗ trợ một số phương pháp mã hoá video cực kỳ phổ biến (và có tỉ lệ nén cao), chẳng hạn như HTML5, H.264 và WebM VP8. Lẽ tự nhiên, đa số (nếu không phải là tất cả) các dịch vụ stream phim có phí đều sử dụng một trong những định dạng phổ biến này.

Tốn không gian lưu trữ không phải là một lý do chính đáng để các nhà cung cấp dịch vụ stream phim “bắt” người dùng trả thêm tiền để có thể xem phim ở nhiều độ phân giải hơn. Nếu một dịch vụ miễn phí như YouTube vẫn có thể cung cấp cho người dùng nội dung 4K bất chấp việc chúng có “ngốn” ổ cứng máy chủ đến mức nào, thì tại sao Amazon lại yêu cầu người dùng trả thêm 1 USD để có thể xem phim Toy Story 3 ở độ phân giải 1080p? Và tại sao Netflix cũng cung cấp các gói thuê bao với các mức giá khác nhau dành cho các video SD và HD? Nếu bạn có thể xem một video review sản phẩm trên YouTube ở độ phân giải 4K mà không tốn một đồng nào? Vậy thì tại sao phải trả thêm tiền để “được xem” phim HD trên các dịch vụ streaming trả phí?

Chi phí phân phối nội dung trên thực tế cũng không quá đắt

Như phân tích ở trên, các dịch vụ stream phim trả phí không thể lấy lý do giá thành lưu trữ web và giá ổ cứng đắt đỏ là lý do họ cung cấp video độ phân giải SD và HD với các mức giá khác nhau được. Vậy phải chăng chi phí để phân phối các video độ phân giải HD từ máy chủ web đến máy tính của người dùng đắt đỏ hơn so với phân phối video SD, nên họ mới bán gói thuê bao SD với giá thấp hơn?

Dĩ nhiên là không phải rồi. Các dịch vụ stream phim hoạt động nhờ vào các Mạng lưới Phân phối Nội dung (Content Delivery Networks, viết tắt là CDN) và Hệ thống Thiết bị Kết nối mở (Open Connect Appliances, viết tắt là OCA), giúp giảm đáng kể chi phí và độ phức tạp của việc truyền dẫn và phân phối nội dung HD. Các thuật ngữ trên thoạt đầu nghe có vẻ rất trừu tượng và khó hiểu, nhưng cách thức hoạt động của chúng thì rất đơn giản.

“Giao thông” trên Internet (thuật ngữ chính xác là lưu lượng Internet) thực ra cũng không khác gì so với giao thông trên đường phố hàng ngày của chúng ta. Nếu tất cả mọi người đều cố “chen” vào một con phố để đi, thì sẽ gây nên tình trạng tắc nghẽn giao thông, và các phương tiện sẽ phải di chuyển rất chậm chạp. Điều tương tự cũng xảy ra với các trang web. Để giải quyết vấn đề này, các dịch vụ stream phim xây dựng nên các mạng lười CDN. CDN là một mạng lưới các máy chủ được phân bố dày đặc trên phạm vi toàn cầu, tất cả các máy chủ này đều chứa cùng những nội dung và dữ liệu giống nhau. Bạn có thể hình dung chúng giống như những con đường khác nhau nhưng cùng dẫn đến một địa điểm. Nhờ đó mà Netflix mới không bị “sập” mỗi khi một mùa phim Stranger Things mới ra mắt khán giả.

Các OCA hoạt động tương tự như các CDN, nhưng chúng được xây dựng để ngăn ngừa tình trạng “tắc nghẽn giao thông” trên toàn bộ hệ thống mạng Internet, chứ không phải chỉ trên một trang web đơn lẻ. Giống như CDN, OCA cũng lưu trữ những bản sao của cùng một thư viện video khổng lồ và được phân bố trên khắp thế giới. Khác biệt lớn nhất là CDN được vận hành bởi nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) của bạn. Khi toàn bộ khu phố nhà bạn cùng mở máy tính lên để xem một mùa phim Stranger Things mới, thì nhà cung cấp dịch vụ Internet của bạn sẽ chuyển hướng truy cập của bạn sang một CDN gần đó thay vì truy cập trực tiếp đến máy chủ Netflix; từ đó giúp cho các fan của loạt phim này có thể thưởng thức thoải mái mà không sợ tình trạng bị nghẽn mạng.

Dĩ nhiên, các mạng lưới CDN và OCA tốn rất nhiều chi phí để duy trì và vận hành. Tuy nhiên, bạn có thể coi chúng là một phần của “hạ tầng Internet”, tức là những hệ thống mà người ta “kiểu gì cũng phải xây dựng”, dù là để stream phim hay phục vụ bất kỳ công việc nào khác. Tuy nhiên, “đầu tư thì cũng đã đầu tư rồi”, cho nên mức giá phân phối nội dung HD hoàn toàn cũng có thể “thương thảo” được (giữa nhà cung cấp dịch vụ và các ISP, v.v…) để ngang bằng với video SD. Dù vậy, các dịch vụ stream phim trả phí vẫn muốn “tính tiền” video SD và HD với mức giá khác nhau, còn 4K thì lại là chuyện khác.

Hay mức phí cấp phép nội dung mới là nguyên nhân?

Các dịch vụ stream phim không thể đưa ra một lý do cụ thể nào để giải thích cho sự khác biệt về giá giữa video SD và HD. Họ đã có đủ không gian lưu trữ để lưu một vài phiên bản với độ phân giải khác nhau của cùng một video, còn hệ thống phân phối nội dung khó có thể tiêu tốn của các nhà cung cấp dịch vụ một đồng nào.

Thật khó để tìm ra nguyên nhân chính xác vì sao các dịch vụ stream phim lại cung cấp video SD và HD ở các mức giá khác nhau, nhưng câu trả lời có thể nằm ở mối quan hệ kì lạ giữa các công ty truyền hình và công ty cung cấp dịch vụ stream phim. Trong một bài đăng trên Reddit từ năm 2016, một nhóm người dùng YouTube đặt câu hỏi vì sao một số bộ phim và show truyền hình HD do YouTube kinh doanh lại chỉ có thể stream ở độ phân giải 480p (thậm chí còn chưa đạt bất kỳ chuẩn HD nào). Hoá ra, bên dưới những bộ phim và show này có một dòng miễn trừ trách nhiệm nhỏ: “Độ phân giải HD không khả dụng trên trình duyệt web”.

Vậy tại sao chúng ta không thể xem phim HD trên trình duyệt web? Một trong những show truyền hình gặp phải vấn đề này là Silicon Valley, thuộc sở hữu của HBO. Có thể YouTube đã mua bản quyền để bán các bản sao độ phân giải HD của show truyền hình này cho người dùng các thiết bị di động, nhưng không được HBO cấp phép để stream phim trực tuyến ở độ phân giải HD. Lý luận đằng sau có vẻ khá dễ hiểu: người dùng sẽ bỏ tiền mua thuê bao HBO GO làm gì nữa nếu họ có thể lên YouTube xem Silicon Valley ở độ phân giải HD?

Cũng có thể khúc mắc trong kinh doanh này còn áp dụng với nhiều dịch vụ khác nữa. Netflix có thể sẽ phải trả thêm chi phí nếu muốn mua giấy phép để chiếu phiên bản HD của loạt phim Friends, còn Amazon cũng phải trả thêm tiền để có được giấy phép chiếu Toy Story 3 phiên bản HD? Thế thì chắc giấy phép để chiếu nội dung 4K còn đắt hơn nữa!

Lý do này có ngớ ngẩn không? Chắc chắn là có. Các dịch vụ stream phim và các công ty truyền hình đang coi các video độ phân giải khác nhau là các món hàng khác nhau, và họ bắt người dùng phải gánh chịu hậu quả. Điều khiến chúng ta bực mình là các công ty dường như không biết rằng làn sóng 4K đang ngày càng trở nên phổ biến. Khoảng 108 triệu người đang cân nhắc mua TV 4K trong năm 2019 này, các công ty ấy không tin rằng người dùng sẽ sẵn sàng trả thêm 2 USD để được xem phim 4K trên chiếc màn hình 4K của họ hay sao?

Có phải công ty nào cũng tính thêm phí đối với video 4K hay không?

Một số người sẵn sàng trả thêm 1 USD để được xem video ở độ phân giải 4K. Nếu bạn đã chi một số tiền khổng lồ để mua một chiếc TV đẹp, vậy thì tại sao phải tiết kiệm mà không mua luôn những nội dung chất lượng cao nhất để xem trên đó?

Nhìn chung, chuẩn 4K vẫn còn mới và đầy hấp dẫn đối với đa số mọi người. Tuy nhiên, việc phải trả thêm tiền để nâng cấp từ video độ phân giải thấp SD lên HD vào năm 2019 vẫn là một điều phi lý. Tốt hơn hết, ở thời điểm này, chuẩn HD nên được các dịch vụ stream phim coi là “phiên bản độ phân giải thấp”, thay thế hoàn toàn cho SD.

Ví dụ về YouTube có lẽ là điều khiến người dùng khó có thể “bỏ qua” và “tha thứ”. Nếu YouTube có thể phân phối video 4K miễn phí cho người dùng, vậy tại sao chúng ta phải trả thêm tiền để được xem phim 4K trên các nền tảng stream phim trực tuyến?

Không phải công ty nào cũng tính phí xem phim 4K cao hơn

Tính đến thời điểm hiện tại, tương lai có vẻ khá “sáng sủa”. Google Play, YouTube và Apple cung cấp một số bộ phim và show truyền hình ở độ phân giải duy nhất là 4K, và đó là phiên bản tiêu chuẩn. Amazon cũng đang nỗ lực để mang các video 4K tới người dùng thuê bao Prime mà không bắt họ trả thêm khoản phí bổ sung nào. Nhưng đồng thời, các công ty vẫn phải hứng chịu chỉ trích vì tính phí khác nhau giữa video SD và HD. Netflix thậm chí còn chỉ cung cấp nội dung 4K cho người dùng đăng ký thuê bao mức cao nhất của hãng.

Theo VnReview

#dịch vụ stream phim trực tuyến, #phân biệt đối xử giữa video SD và HD, #video độ phân giải 4K,

Tin tức cùng chuyên mục